Một trong những vấn đề mà người sử dụng điện thoại di động quan tâm là chất lượng của pin. Nếu may mắn có được một thỏi pin tốt, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian để sạc pin và hạn chế tối đa việc bỏ lỡ những cuộc điện thoại quan trọng chỉ vì... chiếc điện thoại yêu quý hết pin. Còn nếu “vớ” được một pin kém chất lượng, bạn sẽ gặp phải không ít những phiền toái. Vậy làm thế nào để phân biệt được pin thật, pin giả đây?
Trước tiên, bạn hãy đừng "thành kiến" rằng pin Trung Quốc là pin giả vì đa phần pin thật lưu hành trên thị trường hiện nay đều được sản xuất tại nước này. Tất nhiên, đã là pin thật, dù sản xuất ở đâu vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn của hãng. Do đó, nếu bạn thấy pin ghi “Made in China” có khi lại là một dấu hiệu tốt. Ngược lại, các lõi pin ghi “Made in Japan” đa phần là pin giả vì hầu như không hãng ĐTDĐ nào sản xuất pin tại Nhật Bản để xuất khẩu. Pin được ghi xuất xứ Korea cũng có xác suất pin giả rất cao.
Phân biệt pin Nokia thật - giả
Thông thường pin thật có tem 3 chiều, khi nghiêng pin, nhìn vào tem, bạn sẽ thấy hình 3 chiều với logo Nokia cùng biểu tượng hai bàn tay bắt nhau như bạn vẫn thường thấy mỗi khi khởi động máy. Phần cạnh của pin thật thường rất chắc chắn. Còn pin giả, nếu bạn bóp vào cạnh pin, phần giấy bọc sẽ nhanh chóng bị nhàu và có nếp gấp.
Nền pin thật bằng phẳng hơn pin giả. Ngoài ra, chất lượng giấy bọc của pin giả có vẻ dày hơn và màu sơn không có chiều sâu. Màu lớp giấy bọc pin thật không bóng bằng pin giả nhưng khi sờ vào ta cảm nhận được độ dầy của giấy bao khá chắc chắn.
Nếu phần giấy bao bên ngoài của pin bị phồng, rộp bạn không nên sử dụng, vì khi đó pin rất dễ gây cháy nổ do không còn đảm bảo kỹ thuật.
Phân biệt pin Samsung
Loại pin của Samsung thường được gắn ngay trên phần nắp sau của máy nên dễ phân biệt hơn. Bạn so sánh trực tiếp với màu sơn gốc của máy sẽ thấy nước sơn trên pin thật có chiều sâu hơn và không quá bóng một cách rẻ tiền như pin giả. Phần chữ của pin thật thường ghi rõ ràng, chi tiết hơn pin giả. Chữ được in sắc nét hơn.
Đối với pin Sony Ericsson
Cách phân biệt pin Sony Ericsson cũng tương tự như pin Nokia. Điều quan trọng là gần như bất cứ pin Sony Ericsson thật nào cũng đều có tem 3 chiều như trên thẻ bảo hành máy.
Pin Motorola thì sao?
Ngoại trừ cách phân biệt như đối với pin Nokia, pin Motorola giả thường “chuộng” tông màu đen và ghi xuất xứ là Korea và Japan (Nhật Bản), đa phần ghi bằng tiếng Anh. Trong khi đó, pin thật lại thường ghi nhiều chữ Hoa, và ghi rõ xuất xứ là China (Trung Quốc). Phần tem 3 chiều của pin thật có chiều sâu hơn hẳn so với pin giả. Thường khi bạn nhìn vào tem 3 chiều của pin thật sẽ thấy có khoảng 4 lớp, trong khi pin giả chỉ có 2 lớp.
(Theo EchipMobile)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét